!important; Sáu tuổi, trẻ bước vào lớp 1, đó là một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời của trẻ thơ. Hoạt động chủ đạo của trẻ không còn là hoạt động vui chơi như ở trường Mầm Non, mà thay vào đó là hoạt động học tập, theo phương châm “Vừa chơi vừa học”. Thế giới xung quanh trẻ dường như đang có một sự thay đổi, tất cả đều mới lạ: trường lớp mới, thầy cô mới, bạn bè mới, phương pháp học tập mới,...và cả những nội quy học tập mà trẻ chưa thật sự ý thức được. Thêm vào đó, trẻ phải lĩnh hội một lượng lớn kiến thức vừa mới vừa trừu tượng. Tất cả đều là thử thách đối với trẻ. Vì thế mà ngoài sự chăm lo giáo dục của thầy, cô giáo, nhà trường, thì Quý bậc phụ huynh cần phảichuẩn bị một tâm thế vững vàng cho trẻ trước khi vào lớp 1,giúp trẻ dễ thích nghi với môi trường mới. Vài vấn đề sau đây Quý bậc phụ huynh chúng ta cần chú ý:
Điều quan trọng nhất đối với học sinh lớp 1 tương lai là sức khỏe: Khác với thời gian biểu ở khối mầm non chủ yếu là ăn ngủ và chơi, lên đến tiểu học, các em học sinh cần có đầy đủ năng lượng cho trí não duy trì sự tập trung tiếp nhận được kiến thức. Vì vậy khi đến trường áp lực về thể chất rất lớn, phụ huynh cần làm sao để trẻ không mệt và cảm thấy sảng khoái. Do đó, việc xen kẽ các hoạt động thể dục thể thao, nâng cao thể chất ở nhà và trường học rất quan trọng. Phụ huynh có thể hướng dẫn trẻ những việc nhỏ để giúp đỡ bố mẹ, đồng thời rèn luyện cơ thể.
Về mặt tâm lý xã hội: Lúc này trẻ nhận thức được về bản thân như tên mình và bố mẹ, anh chị em, số điện thoại/địa chỉ gia đình; cảm thấy thân thiện hoặc xa lạ với những người mới. Chuẩn bị tâm lý giúp trẻ tin tưởng vào khả năng của mình để khi rời bố mẹ mà không bị căng thẳng... Cũng như trẻ biết cảm nhận và thể hiện cảm xúc, có mối quan hệ tích cực với bạn bè, người lớn.
Để chuẩn bị tâm lý vững vàng cho trẻ, cha mẹ cần dành thời gian chia sẻ với con, hướng dẫn trẻ làm những việc trong khả năng, tạo điều kiện cho con được chơi với bạn ở nơi ở, không nên luôn giải quyết thay trẻ trong mối quan hệ với với bạn cũng như đừng áp đặt sở thích, suy nghĩ của mình trên trẻ. Phụ huynh cũng có thể cho con tham gia những lớp hành trang chuẩn bị vào lớp 1 sẽ giúp trẻ dần quen với bạn bè mới, giờ giấc và phong cách sinh hoạt mới.
Các bậc phụ huynh cần chuyện trò với trẻ về những khó khăn mà trẻ có thể gặp phải trong một môi trường mới, gò bó như: giờ giấc sinh hoạt sẽ nghiêm túc hơn, thời gian vui chơi sẽ ít hơn, phải làm nhiều bài tập, phải tập trung chú ý trên giờ học lâu hơn - Dần dà trẻ thấy rằng đây là niềm tự hào của mình vì đã trưởng thành hơn lớp Mẫu giáo. Bên cạnh đó là sự động viên khích lệ trẻ: Con sẽ tự đọc được một quyển truyện, tự viết được những lời nhắn mà con thích, hoặc con sẽ tìm thấy câu trả lời cho nhiều câu hỏi “Vì sao?”. Quý bậc phụ huynh cần đặc biệt quan tâm đến những ngày đầu đi học của trẻ, chẳng hạn như phải đưa đón trẻ đúng giờ. Sau mỗi buổi đón con ở trường về nên hỏi: “Hôm nay con học được những gì? Ở lớp có chuyện gì vui không?” thay vì hỏi “Con được mấy điểm?” để tránh gây áp lực cho trẻ.
Về mặt ngôn ngữ: trẻ hiểu được lời nói của người khác, biết sử dụng lời nói để giao tiếp và có hiểu biết ban đầu với việc viết. Tuy nhiên, phụ huynh cũng đừng vội bắt ép hoặc gây áp lực cho con với con số và chữ. Nếu con chưa muốn học mà vội bắt ép thì trẻ sẽ căng thẳng, mất hứng thú và có tâm lý sợ học. Để trẻ hào hứng với việc học, bước đầu tiên có thể tạo điều kiện cho trẻ làm quen với chữ, số thông qua hình thức trò chơi hoặc các hoạt động đòi hỏi sự vận động nhanh nhẹn, các trò chơi khám phá đòi hỏi khả năng suy nghĩ, sáng tạo.
Như vậy để trẻ có được sự háo hức và hào hứng với trường học mới cha mẹ hãy cho con em mình làm quen với nếp sinh hoạt của trường tiểu học và cần trang bị cho trẻ những kỹ năng tự lập để trẻ tự tin và nhanh chóng hòa nhập với việc học tập ở trường tiểu học.
Theo các chuyên gia tâm lý giáo dục, các bậc phụ huynh có thể cùng trẻ luyện khả năng viết bằng việc tô màu, tô chữ, nặn tượng, xếp hình, cắt dán… Đặc biệt, gia đình cần tăng khả năng đọc cho trẻ. Khi đọc từ nào, cha mẹ nên lấy tay chỉ vào từ đó. Ví dụ, nói “cá” thì chỉ cho trẻ xem từ “cá” và hình ảnh con cá minh họa. Nói chuyện với trẻ bằng ngôn ngữ đơn giản và có tính mô tả càng tốt.
Để rèn kỹ năng đếm, các bậc phụ huynh hãy cùng trẻ đếm mọi vật xung quanh như: Số bát trên bàn ăn, số người trong gia đình, xe qua lại trên đường… Ngoài ra, cha mẹ cần giúp trẻ học cách phân loại đồ vật như xe cộ, sách vở, đồ chơi hoặc những đồ vật mà trẻ thích. Cha mẹ có thể hướng dẫn trẻ phân loại đồ vật theo nhiều cách khác nhau như theo kích cỡ, màu sắc, vật liệu, chức năng, hình dạng...
Những lưu ý trên đây có thể giúp trẻ luyện một số kĩ năng trước khi vào lớp 1. Các bậc phụ huynh hãy giúp các con chuẩn bị những hành trang tốt nhất để tham gia vào một môi trường mới!