Chào mừng đến với cổng thông tin điện tử Trường Tiểu học Phúc Đồng! Số điện thoại văn phòng: 02438759550
Cập nhật : 6:6 Thứ hai, 23/9/2019
Lượt đọc: 601

Giới thiệu sách tháng 9/ 2019 cuốn sách "Tôi đi học"

Nội dung:

Sự khác biệt giữa những người thành công và những người thất bại không phải là ở sức mạnh, kiến thức hay sự hiểu biết – mà chính là ở ý chí.- Khuyết danh.

Với một đứa trẻ bình thường để có thể đọc thông viết thạo cũng phải mất vài năm. Bạn có tưởng tượng được một người khuyết tật phải tập viết chữ bằng chân thì sẽ khó khăn đến mức nào? Vậy mà có người 12 năm đèn sách, 4 năm học đại học chỉ bằng đôi bàn chân ấy, ông không chỉ viết sách và trở thành một người thầy giáo ưu tú mà còn là một tấm gương cho biết bao thế hệ. Đó là thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký.

Nhân dịp đầu năm học mới, Hôm nay thư viện nhà trường xin trân trọng giới thiệu tới các thầy cô và các bạn đọc cuốn sách “Tôi đi học” của Thầy giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký -  do Nhà xuất bản Trẻ phát hành, năm xuất bản 2014. Cuốn sách sẽ động viên truyền lửa cho nhiều thế hệ bạn đọc Việt Nam suốt 46 năm  qua.  Cuốn tự truyện “Tôi đi học” được Nguyễn Ngọc Ký viết khi bắt đầu quãng đời sinh viên vào tháng 9 năm 1966 tại khoa Ngữ Văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội ở khu sơ tán vùng núi  Đại Từ - Thái Nguyên. Thời gian hai năm đầu trở thành sinh viên, giữa giảng đường trong thời thế sơ tán khó khăn thiếu thốn đủ điều, học trong điều kiện mọi việc phải nhờ đến đôi chân, lại chống đỡ với nhiều dịch bệnh thời ấy, Nguyễn Ngọc Ký đã hoàn tất bản thảo vào hè 1968 sau những lần viết và sửa nhiều lần. Kể từ khi xuất bản lần đầu tiên năm 1970  với nhan đề: “Những năm tháng không quên”tại Nhà xuất bản Kim Đồng đến nay trải qua 53 năm trôi qua  cuốn sách  được tái bản nhiều lần không chỉ ở nhà xuất bản Kim Đồng mà ở nhiều nhà xuất bản khác với tựa mới “Tôi đi học” của chàng sinh viên viết bằng chân Nguyễn Ngọc Ký trở thành cuốn sách không thể thiếu của nhiều thế hệ thanh thiếu niên Việt Nam. Sách là câu chuyện rất cảm động về cuộc hành trình học tập của cậu bé viết bằng chân, rất khác biệt so với các bạn cùng trang lứa của Nguyễn Ngọc Ký. Vừa qua, cuốn sách này lại được First News tái bản lại.

          Sau cơn sốt bại liệt khi vừa tròn 4 tuổi đôi tay của Nguyễn Ngọc Ký bỗng trở nên nặng nề hơn, giường như sức lực không thể cử động để giơ lên được: “Ít ngày sau người khỏe hẳn, tôi dậy đi được. Nhưng đôi tay của tôi đã chẳng còn nguyên vẹn. Nó như hai cục thịt lủng lẳng đeo vào hai bên mình tôi. Từ đó tôi cảm thấy nằng nặng như không phải chính tay mình”. Đó là phần 1 “Sau cơn sốt bại liệt” từ trang 9 đến trang 10 của cuốn sách. Từ đó Ký không thể sinh hoạt bằng đôi tay trong cuộc sống hằng ngày được, không cầm được đôi đũa, chơi trò chơi dân gian cùng  bạn bè được nữa. Thấy bạn bè được đi học, cậu nhất quyết đòi bố mẹ đưa đến lớp. Lúc đầu, cậu học viết chữ bằng miệng, nhưng không được. Ký không bỏ cuộc và không nản chí, cậu học viết chữ bằng đôi chân của mình với nhiều khó khăn và thử thách đôi khi cũng có cả nước mắt. “Tôi dùng mồm viết thử. Vừa ngậm chiếc bút chì gạch gạch trên trang vở được mấy nét bỗng tôi thấy mắt hoa lên, đầu choáng váng, nước mắt nước mũi từ đâu trào ra. Tôi ngẩng đầu lên lắc đầu, thở dài, lơ đãng..” Cuối cùng Ký đã tập viết bằng chân “ Nhưng dẫu thế nào ngón chân tôi vẫn cứ cứng đờ. Nó không chịu đưa bút chì lượn thành nét chữ như ý định của tôi, chì cứ tự do chệch choạc hiện lên trên giấy thành những hình kỳ quái. Tôi đã lấy hết sức cặp thật chặt bút chì, cố nắn nót từng nét một, thì cũng nhiều lúc tôi bị chuột rút đến co quắp cả chân.” Mời các thầy cô và các bạn mở trang 22 đến trang 30 để tìm hiểu xem Kí tập viết như thế nào nhé!

Thế rồi, ngày qua ngày. Vượt qua những ngày tháng khổ luyện. Cậu cứ chăm chỉ nhích dần từng chút một và cậu đã thành công. Nguyễn Ngọc Ký không chỉ viết được chữ mà còn làm thủ công “Giờ thủ công hơn một tuần  sau,  cả lớp hồi hộp chờ thầy trả bài. Cả lớp đều ồn ào lên khen đẹp khi thầy căng khẩu hiệu“  HỒ CHỦ TỊCH MUÔN NĂM!” lên bảng. Chiếc khẩu hiệu được cắt bằng giấy màu rất công phu. Ba chữ “ HỒ CHỦ TỊCH” rực rỡ bằng giấy đỏ, hai chữ “ MUÔN NĂM” nhỏ hơn ở dòng dưới bằng giấy xanh màu lá cây thẫm. Chữ nào cũng đều nhau tăm tắp, cùng có chân rết lại vừa có nét thanh vừa có nét đậm. Nền là một băng giấy trắng bóng khiến cho các chữ trong khẩu hiệu càng nổi bật”  cắt khẩu hiệu, tập bơi… bằng chân. Tất cả những việc đó  Nguyễn Ngọc Ký đều làm được.

Không chỉ tập viết, Nguyễn Ngọc Kí bắt đầu học viết những con số, tập học những phép tính cộng, trừ, nhân, chia. “Môn toán không đơn thuần chỉ là số học nữa. Nó đã có thêm bộ môn hình học và đại số. Nói đến hình học là nói đến những hình vẽ. Vẽ hình có tốt thì bài giải mới tốt được. Với đôi chân, chỉ cần cặp thước, kẻ một đường thẳng cũng khó, huống hồ phải kẻ những đường ngang dọc lắt léo đòi hỏi thật chính xác” chúng ta cùng nhau mở trang 90 đến trang 95 của cuốn sách để biết được Ước mơ học giỏi Toán của Nguyễn Ngọc Kí như thế nào nhé!

 

Đáng nể hơn, trong suốt những năm học phổ thông, năm nào cậu cũng là học sinh giỏi. Năm học 1962-1963, cậu đoạt giải năm trong kỳ thi học sinh giỏi toán toàn miền Bắc, được Bộ trưởng Giáo dục gửi giấy khen. Rồi Nguyễn Ngọc Ký vào đại học và trở thành thầy giáo.

Thật tự hào khi biết được thầy Nguyễn Ngọc Ký vinh dự hai lần được Chủ tịch Hồ Chí Minh thưởng huy hiệu và 4 lần được gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Tác giả bắt đầu viết cuốn tự truyện “Tôi đi học” này khi bắt đầu học đại học, học ở khoa Ngữ Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Những năm tháng trên giảng đường, chàng sinh viên này đã dũng cảm vượt qua bao khó khăn, vượt qua bao thiếu thốn, vượt qua bệnh tật, vượt qua cái đói.

Để có thể giảng bài với đôi tay tật nguyền, thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký đã cải tiến, sáng tạo ra nhiều phương pháp, cách thức dạy học mới phù hợp với từng lứa tuổi các em. Đó là việc thầy tự thiết kế các mô hình, dàn bài trên bìa một tờ giấy cứng, bên ngoài có một tờ giấy trắng che lại. Giảng đến đâu, thầy dùng chân kéo tờ giấy che ở bên ngoài xuống, thế là những con chữ xuất hiện. Cùng với đó là giọng giảng sinh động, truyền cảm, thầy đã truyền “lòng say mê” cho biết bao học sinh. Không những thế, trong bất cứ bài học nào, thầy cũng nghĩ ra những câu đố bằng thơ rất độc đáo.

Cứ thế, người thầy tật nguyền nhưng sáng ngời ý chí và nghị lực ấy đã truyền “lửa” cho biết bao thế hệ học sinh.

Tâm sự về nghề nghiệp, thầy nói: “Nhờ nghề giáo mà tôi thực hiện được những ước mơ, hoài bão của mình, tham gia đóng góp được nhiều cho xã hội!”

Trong lần về thăm huyện Hải Hậu, Nam Định, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: “Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký là đại diện cho sự phấn đấu phi thường và kỳ diệu, là tấm gương sáng cho các bạn trẻ hôm nay, nhất là những người khuyết tật noi theo”. Ngày 20/11/1992, thầy được vinh dự nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú.

Sau 35 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người, thầy Nguyễn Ngọc Ký vinh dự được nhận danh hiệu Nhà giáo Ưu tú, đồng thời là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Nguyễn Ngọc Ký quả là một tấm gương sáng ngời về nghị lực vượt lên số phận. Thầy đã chứng minh cho mọi người thấy: một người tật nguyền như thầy vẫn có thể trở thành người có ích cho xã hội. Tên tuổi Nguyễn Ngọc Ký đã được mọi người biết đến với lòng trân trọng, ngưỡng mộ, cảm phục. Mãi mãi, cái tên Nguyễn Ngọc Ký sẽ còn in sâu trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam hôm nay và cả mai sau.

Gần 46  năm qua, cuốn tự truyện “Tôi đi học” được tái bản nhiều lần và luôn được bạn đọc đón nhận, nhiều thế hệ học sinh coi là sách gối đầu giường. Hy vọng, các bạn chúng ta nồng nhiệt truyền tay nhau đọc và học tập tấm gương vượt khó vươn lên của thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký.

Xin mời bạn đọc tìm đọc cuốn sách “ Tôi đi học” tại thư viện nhà trường nhé. Buổi giới thiệu sách đến đây là hết rồi. Xin cảm ơn các thầy cô và các bạn đã lắng nghe.

Chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN QUẬN LONG BIÊN

Địa chỉ: Khu đô thị Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội

Điện thoại: (043)8724033, Fax: 38724618

Email: ubnd_longbien@hanoi.gov.vn

 

Trường Tiểu học Phúc Đồng

Địa chỉ: Tổ 12 Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, TP. Hà Nội

Chịu trách nhiệm nội dung: Hiệu Trưởng - Phan Thị Xuân Thu

Liên hệ: SĐT 0438759550 - Email: c1phucdong-lb@hanoiedu.vn