Trong tình hình dịch bệnh kéo dài và diễn biến phức tạp, việc học trực tuyến trở thành giải pháp hiệu quả nhất để vừa làm tốt công tác phòng chống dịch, vừa đảm bảo thực hiện chương trình giáo dục. HS không giao tiếp với thầy cô, ở nhà lâu ngày không được giao lưu, chơi đùa với bạn bè, ít vận động… là một cản trở lớn trong việc giữ cân bằng về tâm lý, là những lý do khiến nhiều học sinh đã và đang rơi vào trạng thái căng thẳng, mệt mỏi, tăng áp lực tâm lý, thậm chí nhiều em bị stress. Để giúp HS giảm áp lực học tập, căng thẳng, tránh được stress cần sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường cùng thực hiện đồng bộ các biện pháp sau:
1. Thầy cô giáo vừa là người thầy, người bạn đồng hành cùng các em học sinh
- Giáo viên cần làm tốt công tác chủ nhiệm, nắm được khả năng, đặc điểm, hoàn cảnh của từng HS nhằm phát hiện sự khác biệt của mỗi em. Thầy cô, cha mẹ cố gắng đáp ứng sự khác biệt đó để phát huy cao nhất khả năng của HS.
- Giáo viên chủ nhiệm phối hợp cùng cô giáo tổng phụ trách chủ động, sáng tạo, linh hoạt tổ chức các hoạt động ngoài giờ như: thi vẽ tranh, chia sẻ ảnh đẹp, các clip tham gia các hoạt động ở nhà. Bên cạnh đó có các hoạt động kết nối yêu thương như: làm thiệp mừng ngày 20/10; Chia sẻ điều em muốn nói…Các hoạt động đó giúp các em giảm bớt căng thẳng, gắn kết mọi thành viên trong gia đình.
- Giao nhiệm vụ vừa sức, yêu cầu HS thực hiện nghiêm túc và hiệu quả. Thay đổi phương pháp, hình thức học tập để lôi cuốn, thu hút, tạo hứng thú cho HS trong từng tiết học. Thực hiện quy tắc học tập trực tuyến nghiêm túc nhưng nhẹ nhàng nhất là giờ giải lao, HS rời máy tính để vận động thể lực.
- Thường xuyên giao tiếp và thực hiện công bằng trong giao tiếp với HS. Thầy cô phải chú ý tạo cơ hội và khuyến khích tất cả HS trả lời, hay phát biểu ý kiến, tránh tập trung một số HS nào đó. Thực hiện khen thưởng và kỷ luật tích cực phù hợp với từng HS cụ thể, không so sánh HS này với HS khác.
- Xây dựng mối quan hệ bạn bè lành mạnh, tốt đẹp để giúp nhau cùng học tập và rèn luyện. Đầu buổi học, thầy cô nên mở lớp sớm để HS có thể trao đổi, trò chuyện, hỏi han nhau.
2. Gia đình là điểm tựa tinh thần cho các con
- Cha mẹ, thầy cô và người lớn cần hiểu rõ đặc điểm, tâm lý của từng lứa tuổi HS. Điều đầu tiên và cũng là điều quan trọng nhất, cha mẹ cần tạo con một tâm thế háo hức đối với việc học trực tuyến. Cha mẹ có thể ngồi xuống nói chuyện với con về ý nghĩa của việc đi học, chuẩn bị cho trẻ biết trước về những gì sẽ xảy ra khi học trực tuyến.
- Không quá kỳ vọng và yêu cầu cao đối với HS, thay đổi kì vọng tùy vào tình hình thực tế. Cần quan sát, trò chuyện, vui chơi để tìm hiểu các năng khiếu, sở thích của con. Khen thưởng kịp thời khi có tiến bộ, động viên con cố gắng hơn khi trả lời hay làm bài chưa đúng, để con tránh tự ti, nhút nhát.
- Ở nhà, cha mẹ có thể cho con tham gia làm việc nhà hợp lý, tránh tình trạng cha mẹ làm thay để con chỉ tập trung học tập, tham gia các hoạt động ngoài giờ, hoạt động chung của cả gia đình.
- Đặc biệt, bố mẹ cần chú ý đến những biểu hiện khác lạ, thay đổi của các em. Ba mẹ sẽ trò chuyện và quan sát để hiểu những khó khăn, hỗ trợ các em hoặc tìm đến sự trợ giúp từ xung quanh (giáo viên, một ai đó mà các em yêu quý, thích nói chuyện cùng,…) hoặc tìm sự giúp đỡ từ những người có chuyên môn như bác sĩ tâm thần, chuyên viên tâm lý khi cần thiết.
- Luôn tôn trọng và tin tưởng con em mình. Dù các em học ở trường hay học ở nhà, cha mẹ luôn quan tâm theo sát việc học hành, sinh hoạt cũng như sức khỏe của con để cùng con vượt qua những khó khăn, trở ngại trong học tập và sinh hoạt, là chỗ dựa vững chắc và là tấm gương cho các con.
3. Học sinh cần tăng sức đề kháng về tâm lý
- Các em luôn sẵn sàng tâm thế, hào hứng khi học trực tuyến và xác định đây là hình thức học lâu dài, quan trọng như học tập trên lớp.
- Giữ liên lạc với bạn bè trong lớp bằng nhiều hình thức dưới sự hỗ trợ của thầy cô và bố mẹ. Tích cực tham gia các hoạt động trên lớp, tương tác với các bạn trong giờ học.
- Các em cần xây dựng một Thời khóa biểu cá nhân có sự tư vấn của bố mẹ để cân bằng giữa học tập và nghỉ ngơi, thư giãn. Ngoài giờ học Online, HS hạn chế tối đa tiếp xúc với thiết bị điện tử, tích cực tham gia hoạt động gắn kết gia đình, giúp đỡ việc nhà và tập luyện thể dục thể thao.
- Luôn có suy nghĩ tích cực, vui tươi, mạnh dạn chia sẻ và đề nghị được mọi người giúp đỡ khi gặp khó khăn.
Đợt
dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 ở nước ta đã làm ngành giáo dục nói chung và HS nói riêng bị tổn thương rất lớn. Mỗi chúng ta phải hành động ngay để từ “hiểu” đến “giúp” các em trấn an tâm lý, tinh thần giúp các em vượt qua đại dịch này.