Vâng, chẳng biết từ khi nào mà hai tiếng “Quê hương” đã đi sâu vào tiềm thức và trái tim của mỗi chúng ta như một lẽ tự nhiên vốn có. Phải chăng sự đánh thức tâm hồn ấy bắt nguồn từ câu hát ru nhẹ nhàng của bà, của mẹ hay từ chính những trang sách mang bóng dáng tuổi thơ. “Quê nội” là một truyện ngắn như thế, sinh động mà cũng thật gần gũi, tha thiết. Võ Quảng - nhà văn nổi tiếng cùng những sáng tác cho thiếu nhi đã gửi vào tác phẩm những kí ức đẹp về thời thơ ấu, quê hương và Cách mạng một cách đầy hấp dẫn, thú vị.
Võ Quảng đã đặt câu chuyện xảy ra tại chính quê hương mình, ấy là làng Hoà Phước, tỉnh Quảng Nam, một tỉnh nằm giữa nước Việt Nam. Ở đây các sự kiện nhỏ đặt liền nhau, khăng khít nhau tạo nên câu chuyện. Câu chuyện bắt đầu sau Cách mạng tháng Tám, sau ngày lễ tuyên bố độc lập của nước Việt Nam năm 1945, một thời kì mà mãi đến nay vẫn còn để lại dấu tích trong nền văn học Việt Nam.
“Quê nội” ra đời năm 1974, không lâu sau đó, nó đã có sức ảnh hưởng không nhỏ tới bạn đọc Việt Nam và bạn đọc thế giới, đặc biệt là người Pháp qua bản dịch của Alice Kahn. Đồng hành cùng truyện ngắn là hai nhân vật chính với cái tên giản dị, mộc mạc đó là hai chú bé Cục và Cù Lao cùng với một số nhân vật khác như chú Năm Mùi, dượng Hương Thư, chú Hai Quân.
“Quê Nội” hấp dẫn bạn đọc chủ yếu là ở dòng văn xuôi tự sự, sống động, giàu có về hình tượng và phong phú về giọng điệu. Dựa vào góc nhìn và tâm lí của chú bé Cục -nhân vật dẫn chuyện - tác giả đã khéo chắp nối, móc xích các chi tiết các sự kiện khiến cho mạch truyện chảy tự nhiên và đầy bất ngờ. Thủ pháp tác giả thường dùng là khai thác sự khác lạ. Những con gà của chị Bốn, ông Bảy... khác nhau về hình dáng, giọng gáy, mầu lông, kiểu cách gọi bầy.
Ngay từ những chương đầu của tác phẩm, Võ Quảng đã cho ta thấy cuộc sống làm ăn cần cù của người ven sông Thu Bồn, thuyền neo đậu nơi bến bãi mướt dâu xanh và rộn rã tiếng gieo thoi đập lúa về những trò chơi của lũ trẻ chăn trâu, về cuộc gặp mặt của hai người bạn chính trong câu chuyện là Cục và Cù Lao. Trong hình ảnh của Cục và Cù Lao ta đều thấy sự hiện diện, sự hóa thân, sự sống động trở lại của tuổi thơ của chúng ta dù là thế hệ trẻ ít khi được sinh sống ở làng quê. Mỗi chúng ta đều có một khuôn mặt riêng không giống ai, nhưng ai chẳng có cái ngộ nghĩnh ấy, cái tinh nghịch vốn có ấy, cái ham say nô đùa ấy, cái khôn ranh hay vụng dại ấy… Ai trong chúng ta lại chẳng có một tuổi thơ tuy nghèo đói hoặc no đủ về vật chất và tinh thần nhưng đều có cùng một khao khát muốn làm việc tốt, muốn khẳng định bản thân mình, muốn nhanh chóng trở thành người lớn… Điều đó cũng được thể hiện ở chính nhân vật Cục và Cù Lao.
Nhân vật Cục ở đây có thể nói kém cạnh hơn nhân vật Cù Lao về mọi mặt. Khi anh Bốn Linh thử sức hai người bằng việc dọa ma, Cục đã sợ đến nỗi quên cả việc “mặc quần”. Còn Cù Lao thì ngược lại sẵn sàng giao chiến. Lúc được cử làm “thầy” dạy học cho hai người trong làng là ông Bốn Rị và bà Hiến vì từ trước có nhiều tin đồn rằng ông Bốn Rị làm thịt chó nên có nhiều ma chó trong nhà và ăn thịt chó sẽ bị mọi người khinh bỉ. Thế nên Cục đã sợ không dám dạy ông và để cho Cù Lao dạy thay nhưng Cù Lao lại rất tốt, chẳng những dạy cho ông biết chữ mà còn giúp đỡ ông trong công việc và Cục cũng dạy bà Hiến tốt chẳng kém. Ở đây ta có thể thấy tuy Cục không làm được nhiều việc tốt như Cù Lao bởi vì Cục sợ ma nhưng đó cũng là cái ngây thơ, đáng yêu của trẻ con mà.
Võ Quảng - một con người luôn hướng về quê hương, một con người đã dành 40 năm cuộc đời mình để viết ra những cuốn truyện cho thiếu nhi, ông như một khách bộ hành chung thủy trong cuộc đi vẫn còn nhiều vất vả. “Quê nội” của nhà văn Võ Quảng không chỉ viết cho thế hệ thiếu niên hôm nay mà còn cho cả biết bao thế hệ đã từng trải qua tuổi thiếu niên cùng đọc để có thể được lùi về những ngày ấu thơ với tất cả rung động. Thư viện nhà trường rất mong quý thầy cô và các em học sinh tìm đọc cuốn sách này nhé!