Trên con đường gập ghềnh đầy chông gai thử thách, trái tim mẹ giúp ta mở lối vào đời bằng chính tình yêu kì diệu và vô điều kiện của người mẹ. Hạnh phúc thay, mỗi đứa trẻ khi sinh ra đã được nằm trong vòng tay bảo bọc, chở che của mẹ. Với ánh mắt dịu hiền và giọng nói có thể vang đến nơi tận cùng của cuộc sống, mẹ đã chịu thương, chịu khó, hy sinh cuộc đời mình để lo cho các con, người mẹ luôn dõi theo từng nhịp bước của những đứa con đi qua thời thơ ấu cho đến những năm trưởng thành.
Nhân ngày 8/3/2021 tôi xin gửi đến những lời chúc chân thành và tốt đẹp nhất đến những người mẹ, người phụ nữ của chúng ta luôn xinh tươi, luôn mạnh khỏe và gặp nhiều may mắn. Hôm nay Thư viện trường tiểu học Phúc Đồng giới thiệu tới các thầy cô và các bạn cuốn sách “Người mẹ cầm súng” của nhà văn Nguyễn Thi. Cuốn sách do nhà xuất bản Kim Đồng phát hành năm 2018 bao gồm hai tác phẩm là truyện kí “Người mẹ cầm súng” và Truyện ngắn “Mẹ vắng nhà”.
Nhà phê bình văn học Nhị Ca có viết: “Chất lượng, bản lĩnh, sức mạnh nghệ thuật hiện thực đặc biệt của Nguyễn Thi đã làm cho tác phẩm của anh có một sức bao trùm, sức gợi cảm, sức động viên lớn…”. Vâng quả đúng như vậy! Trong tác phẩm “Người mẹ cầm súng” nhân vật chính ở đây là Nguyễn Thị Út sinh ngày 19/4/1931 tại làng Tích Thiện- Huyện Trà Ôn- tỉnh Vĩnh Long, một người đàn bà có sáu người con. Chị có biệt danh là “Bà Hồng” vì chị đánh giặc rất giỏi. Khi người pháp tái chiếm Nam Bộ mở rộng trên toàn cõi Đông Dương, chị xung phong tham gia chiến đấu chống quân pháp nhưng do tuổi còn quá nhỏ nên chị bị từ chối tuy nhiên chị hoạt động tích cực trên vai trò giao liên, liên lạc cho các cán bộ quân sự. Tháng 12 năm 1949, lực lượng Việt Minh mở chiến dịch cầu kè, là chiến dịch công kích lớn đầu tiên trên chiến trường Nam Bộ, chị được giao công tác giao liên trinh sát của tổ chức Công An xung phong do ông Chín Luông làm chỉ huy, chịu trách nhiệm theo dõi nắm vững tình hình quân Pháp, báo tin kịp thời với lực lượng quân sự địa phương và Bộ đội chủ lực để hợp đồng tác chiến gây tổn thất cho quân Pháp và lực lượng bổ sung trong chiến dịch này.
Tác Phẩm “Người mẹ cầm súng” thể hiện rất rõ cuộc sống của các bà mẹ Nam bộ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp gan dạ, mưu chí, đảm đang, yêu quê hương. Tinh thần đoàn kết, sức chiến đấu mạnh liệt, khao khát tự do và cuộc sống của nhứng đứa trẻ thơ ngây khi mẹ vắng nhà. Đọc truyện ký các thầy cô và các em còn thấy được cả một gia đình nhà chị Út sôi nổi và hào hứng với cách mạng chứ không chỉ riêng gì chị “Đi làm cách mạng là cái công việc mà nếu phải dừng lại một lúc nào đó thì cả hai vợ chồng sẽ thấy lẻ loi, trơ trọi, buồn khổ không biết chừng nào” cho nên đã đánh giặc thì phải “đánh cho còn cái đai quần cũng đánh”.
Các em thân mến! Chính vì sự hy sinh cao cả, tình yêu gia đình, tình yêu đất nước của chị cũng như cả gia đình chị mà gia đình chị luôn được đồng bào Tam Ngãi yêu mến. Đặc biệt là con người chị sống chiến đấu là một tấm gương lớn không những cho đồng bào lúc bấy giờ học tập mà các thế hệ con cháu noi theo trong những cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước mai này.
Người phụ nữ xưa mạnh mẽ là thế và đến nay không ai có thể phủ nhận vai trò và trách nhiệm to lớn của người phụ nữ thời hiện đại: Họ vừa là người nội trợ, vừa tham gia lao động xã hội, đóng góp sức lực của mình vào sự phát triển của đất nước, không những thế họ còn giữ một thiên chức cao cả là một người mẹ, mang nặng đẻ đau ra những đứa con và nuôi dạy chúng thành người. Chúng ta cùng nhau đến thư viện để tìm đọc cuốn sách này nhé!
Buổi giới thiệu sách của Thư viện đến đây là hết rồi! Xin chân thành cảm ơn các thầy cô và các em đã chú ý lắng nghe!