GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 2
Sự tích Ông Táo
Các em thân mến!
Vậy là chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán rồi. Các em có thích Tết không? À, cô thấy bạn nào cũng thích Tết vì Tết chúng ta có quần áo mới này, được xum vầy gia đình cùng làm bánh chưng, bánh giầy, được đi chơi, được mừng tuổi và nhận được biết bao lời chúc tốt đẹp nữa đúng không nào? Cận kề ngày tết mà chúng ta mong đợi còn có một ngày cũng quan trong không kém đó là ông Công, ông Táo. Không biết tục cúng Ông Táo đã có từ bao giờ nhưng theo các vị cao niên kể lại thì đây là phong tục đã có từ rất lâu và có rất nhiều điển tích về ngày lễ ông Công, ông Táo được lưu truyền trong dân gian. Để các con biết thêm ý nghĩa về những ngày lễ, tết truyền thống của dân tộc ta, Thư viện trường Tiểu học Phúc Đồng xin giới thiệu tới các thầy cô cùng các con cuốn truyện: Sự tích Ông Táo.
Chúng ta có thể thấy hấp dẫn ngay từ hình thức cuốn truyện phải không nào. Truyện được thiết kế cách điệu với những dường cong lượn sóng tạo sự mềm mại, bắt mắt. Màu sắc, hình ảnh trang bìa và các trang nội dung được vẽ rất sắc nét, hài hòa. Khổ sách lớn 13,5x21cm với những hình ảnh và chữ in to phù hợp với lứa tuổi của chúng ta đặc biệt là các em lớp 1, lớp 2 đấy.
Truyền thuyết xưa kể lại có hai vợ chồng nghèo khổ quá, phải bỏ nhau, mỗi người một nơi tha phương cầu thực. Sau đó, người vợ may mắn lấy được chồng giàu. Một năm, vào ngày 23 tháng Chạp, đang đốt vàng mã ngoài sân thì thấy một người ăn xin bước vào, nhận ra chính là chồng cũ nên người vợ động lòng, đem cơm gạo, tiền bạc ra cho.
Người chồng mới biết chuyện, nghi ngờ vợ. Người vợ đâm khó xử, uất ức lao vào bếp lửa, tự vẫn. Người chồng cũ đau xót, cũng nhảy vào lửa chết theo. Người chồng mới ân hận, lao vào lửa nốt! Trời thấy cả ba người đều có nghĩa nên phong cho làm "vua bếp". Và từ đó, dân gian mới có câu ca rằng:
“Thế gian một vợ một chồng
Chẳng như vua bếp hai ông một bà”
Ngày nay, phong tục cúng ông Táo, ông Công không được tổ chức chu đáo và nhiều nghi lễ như xưa. Chỉ một chậu cá, một mâm cỗ đơn giản với gà luộc, xôi gấc, chè kho mua sẵn và một vài món mặn là xong mâm cỗ để nhớ ơn đến tổ tiên và các vị thần đã bảo vệ cho gia đình mình một năm an bình, thịnh vượng.
Nào chúng mình cùng nhau lên thư viện để tìm đọc cuốn sách nhé!