TUYÊN TRUYỀN VỀ DỊCH TẢ LỢN CHÂU PHI
1. Sự nguy hiểm của dịch tả lợn châu Phi.
- Bệnh có khả năng lây lan nhanh và xảy ra ở mọi loài lợn.
- Bệnh gây sốt cao, xuất huyết nặng và có thể gây chết 100% số lợn mắc bệnh, gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế cho ngành chăn nuôi.
- Vi rút gây ra bệnh có sức đề kháng cao với môi trường, có khả năng chịu được ở nhiệt độ thấp.
- Tả lợn châu Phi tuy không gây bệnh trực tiếp trên người nhưng lại lây truyền sang ruồi, muỗi, chuột, mèo, gà, vịt. Lợn bị tả có thể mắc thêm những loại bệnh nguy hiểm khác như tai xanh, cúm, thương hàn... Những bệnh này mới gây nguy hiểm cho người bởi làm rối loạn hệ tiêu hóa, đặc biệt khi con người ăn tiết canh, ăn thịt lợn bị bệnh chưa nấu chín kỹ. Khi lợn mắc bệnh tai xanh, liên cầu khuẩn tồn tại trong miệng và mũi con vật sẽ bùng lên. Người bị trầy xước hoặc có vết thương, tiếp xúc với lợn bị bệnh sẽ bị vi khuẩn xâm nhập. Người bệnh thường sốt cao, đau đầu, buồn nôn, xuất huyết ở một số nơi trên cơ thể. Một số trường hợp xuất hiện các triệu chứng nhiễm độc tiêu hóa, nặng hơn là viêm màng não.
- Bệnh không có thuốc điều trị và chưa có vắc xin phòng bệnh.
2. Tác nhân gây bệnh
- Là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra trên lợn.
- Vi rút gây bệnh có trong máu, cơ quan, dịch bài tiết, trong thịt lợn, các sản phẩm từ thịt lợn nhiễm bệnh và các con lợn chết bởi bệnh này.
3. Triệu chứng của bệnh.
Dấu hiệu đặc trưng để nhận biết bệnh dịch tả lợn châu Phi là: lợn có biểu hiện sốt rất cao trên 40 độ.
* Với thể quá cấp tính: Lợn chết nhanh, không biểu hiện triệu chứng lâm sàng hoặc lợn sẽ nằm và sốt cao trước khi chết.
* Với thể cấp tính: Lợn sốt cao từ 40,5 – 42 độ C. Trong 2 -3 ngày đầu, lợn không ăn, sau đó lợn ủ rủ, lờ đờ, suy nhược, ho thở khó; run, dáng đi loạng choạng, nằm chồng lên nhau. Lợn có biểu hiện đau vùng bụng, di chuyển bất thường, một số vùng da trắng chuyển sang màu đỏ, đặc biệt là ở vành tai, đuôi, cẳng chân, da phần dưới vùng ngực và bụng, có thể có màu tím sẫm. Trong 1 – 2 ngày trước khi chết, lợn thở gấp, khó thở, viêm mắt, nôn mửa, tiêu chảy.
4. Đường lây lan của bệnh.
- Bệnh truyền qua ve mềm, là côn trùng có phổ biến trong tự nhiên, môi trường chăn nuôi.
- Virut lây lan qua đường hô hấp và tiêu hóa, thông qua việc tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với chuồng trại, phương tiện vận chuyển, dụng cụ, đồ dùng, quần áo nhiễm virút và thức ăn chứa thịt lợn nhiễm bệnh.
5. Các biện pháp phòng bệnh.
- Thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp an toàn trong chăn nuôi: thường xuyên vệ sinh, sát trùng, tiêu độc các cơ sở, vùng chăn nuôi lợn, các phương tiện vận chuyển, dụng cụ chăn nuôi, các chợ, các điểm buôn bán, giết mổ lợn và các sản phẩm của lợn.
- Thường xuyên vệ sinh, phun thuốc sát trùng tiêu diệt mầm bệnh, ngăn chặn côn trùng và loài gặm nhấm vì chúng có thể mang mầm bệnh từ nơi này sang nơi khác.
- Nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn không rõ nguồn gốc, lợn nghi bị bệnh, thịt lợn bị bệnh.
- Tuân thủ các quy định về quản lý, vận chuyển, kiểm dịch vận chuyển buôn bán lợn và các sản phẩm của lợn.
- Các hộ kinh doanh thịt lợn trên địa bàn thực hiện không mua bán, vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn tại các vùng có dịch vào địa bàn. Không kinh doanh buôn bán chế biến thịt lợn bệnh. Không vứt bừa bãi thịt lợn bệnh ra môi trường.
- Tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm tra vệ sinh thú y tại các cơ sở sơ chế, chế biến, kho bảo quản, hộ kinh doanh thịt lợn trên địa bàn.Thông tin kịp thời cho chính quyền địa phương nơi gần nhất khi phát hiện lợn bị bệnh hoặc các sản phẩm nghi ngờ lợn bị bệnh, nghi nhiễm mầm bệnh. Thực hiện tiêu hủy đàn lợn nhiễm bệnh theo hướng dẫn của cơ quan Thú y.
- Người tiêu dùng chỉ mua thịt lợn tại địa điểm kinh doanh thịt lợn đã được cơ quan thú y kiểm tra, có nguồn gốc rõ ràng. Không sử dụng thức ăn thừa, thức ăn chưa nấu chín.
- Cách chọn thịt lợn: Thịt lợn khỏe mạnh có màu hồng nhạt đến đỏ thẫm, thịt săn chắc không nhũn nhão, đàn hồi tốt không rỉ dịch. Đường cắt thịt hơi rít, mặt thịt khô ráo, cơ hơi se lại, lớp bì mềm, mỡ màu trắng trong đến hơi ngà khi ngửi không có mùi gắt. Thịt ngon khi luộc có nước trong, váng mỡ to, có mùi thơm của thịt, không có mùi lạ. Còn thịt kém chất lượng hoặc thịt lợn bị bệnh, lợn chết có màu đỏ bầm nhũn nhão, độ đàn hồi kém dịch rỉ nhiều. Lớp bì tím bầm, nước luộc thịt đục không có mùi thơm, có khi còn có mùi hôi hoặc mùi thuốc kháng sinh.