TUYÊN TRUYỀN VỀ AN TOÀN GIAO THÔNG
Long Biên là một địa bàn rộng, dân cư đông, mật độ phương tiện giao thông lớn, nhiều tuyến đường mới mở là điều kiện thuận lợi cho nhân dân tham gia giao thông; song cũng tiềm ẩn nguy cơ TNGT. Nhận thức của nhân dân đã được nâng lên nhưng còn một bộ phận người dân ý thức chấp hành luật giao thông còn kém; hệ thống hạ tầng đã được đầu tư nhưng chưa thực sự đồng bộ; công tác quản lý về ATGT đã được cải thiện rõ rệt song vẫn còn những bất cập, chưa đáp ứng nhu cầu;… đang là những yếu tố tác động tiêu cực đến công tác đảm bảo ATGT.
1. Thực trạng về vấn đề an toàn giao thông
An toàn giao thông hiện nay là một trong những vấn đề được xã hội quan tâm sâu sắc. Tai nạn giao thông đang diễn ra từng ngày, từng giờ và có thể cướp đi mạng sống của con người bất kì lúc nào. Mỗi ngày trôi qua có nhiều sinh mạng bị đe dọa bởi tai nạn giao thông. Theo số liệu thống kê của Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia, trong 2 tháng đầu năm 2019, cả nước đã xảy ra 2.822 vụ tai nạn giao thông, làm chết 1.356 người, bị thương 2.169 người. Đáng buồn hơn khi không ít những nạn nhân của tai nạn giao thông là học sinh, sinh viên. Đây là vấn đề đã và đang gây bức xúc cho toàn xã hội. Nguyên nhân gây tai nạn giao thông chủ yếu do do ý thức chấp hành luật Giao thông đường bộ của người dân còn hạn chế như uống rượu, bia điều khiển phương tiện, chạy quá tốc độ quy định, đi sai phần đường, không chấp hành - thậm chí chống người thi hành công vụ.
2. Biện pháp đảm bảo an toàn giao thông.
Để thực hiện an toàn giao thông cho con em mình khi đi đến trường cũng như khi tham gia giao thông, các bậc cha mẹ học sinh phối hợp cùng nhà trường giáo dục các em thực hiện tốt các nội dung sau:
* Với các em đi bộ đến trường:
- Đi đúng phần đường quy định dành cho người đi bộ. Phải đi bộ trên hè phố, nơi không có hè phố, người đi bộ phải đi sát mép đường bên phải theo chiều đi của mình.
- Người đi bộ chỉ được qua đường ở những nơi có đèn tín hiệu, có vạch kẻ đường hoặc cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ. Khi sang đường, phải quan sát kỹ các xe đang đi tới và chỉ qua đường khi bảo đảm an toàn. Trẻ em dưới 7 tuổi khi sang đường phải có người lớn dắt.
- Không được vượt qua dải phân cách, không mang vác vật cồng kềnh.
- Khi đi ở đường làng, ngõ xóm, các em cần phải đi vào lề đường bên phải, chọn phần đường khô ráo để đi.
* Với các em đi xe đạp đến trường:
- Đi đúng phần đường được quy định, đi về phía bên tay phải không được đi hàng ngang, không đánh võng, không được cười đùa, buông thả cả 2 tay khi đang điều khiển xe.
- Đi xe đạp, không được dàn hàng 2, hàng 3, không được vượt đèn đỏ.
- Không được đèo quá 1 người trên xe đạp.
- Học sinh không điều khiển xe môtô, xe gắn máy tham gia giao thông khi chưa đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.
- Khi sang đường, phải chú ý quan sát các phương tiện để đảm bảo an toàn.
* Đối với các em được bố, mẹ đưa đến trường bằng xe máy
- Người điều khiển xe, người ngồi sau xe đều phải đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn và cài quai đúng quy cách.
- Khi tham gia giao thông đi đúng làn đường quy định dành cho xe máy, không lấn sang phần đường dành cho ô tô hoặc đi vào phần đường dành cho người đi bộ.
- Có tín hiệu báo hướng rẽ trước khi chuyển hướng, chú ý quan sát để đảm bảo an toàn.
- Đi với tốc độ không quá 40km/giờ, không phóng nhanh, vượt ẩu, đánh võng, luồn lách.
- Khi đi ra đường phố, gặp đèn giao thông phải thực hiện theo đúng tín hiệu đèn, không được đi đường ngược chiều, vượt dải phân cách, đi đúng theo vạch chỉ dẫn.
- Không được sử dụng ô, điện thoại di động khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Chúc các bậc phụ huynh và các em học sinh luôn an toàn khi tham gia giao thông và là những tuyên truyền viên tích cực góp phần để “Văn hóa giao thông” đến với mọi người, mọi nhà.