Mỗi ngày, ở Việt Nam ta vẫn còn hàng trăm trẻ em và người chưa thành niên bị tai nạn thương tích. Trong số đó có khoảng gần 20 trẻ tử vong do tai nạn, thương tích mỗi ngày. Đó là số liệu thống kê được công bố tại buổi hội thảo góp ý xây dựng “Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016 – 2020” vào sáng ngày 24/11/2015, tại Hà Nội do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) phối hợp cùng Tổ chức y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Tầm nhìn thế giới (WV) tổ chức.
Với con số thống kê như trên cho thấy tai nạn thương tích ở trẻ em Việt Nam hiện nay là một vấn đề vô cùng nghiêm trọng, đòi hỏi toàn xã hội phải có những hành động thiết thực để ngăn chặn, giảm thiểu những nguy cơ tai nạn thương tích đe dọa đến tính mạng và sức khỏe của trẻ em.
Tai nạn thương tích thậm chí dẫn đến tử vong thường gặp ở trẻ em Việt Nam gồm: đuối nước, tai nạn giao thông, ngộ độc, ngã, bỏng, điện giật, động vật cắn… Trong đó trẻ gặp tai nạn và dẫn đến tử vong do đuối nước và tai nạn giao thông chiếm tỷ lệ cao.
Trẻ con vốn hiếu động, thích khám phá nhưng chưa ý thức được các mối nguy hiểm có thể xảy ra, do đó, người lớn từ gia đình đến nhà trường cần có sự trông nom cẩn thận đối với các bé.
1. Té ngã
Trẻ con té ngã là chuyện không thể nào tránh khỏi, chúng ta cần phải ngăn chặn nguy cơ té ngã và hạn chế tối đa thương tích khi trẻ té ngã bằng các biện pháp như:
- Giữ sàn nhà, lớp học luôn khô ráo, không bị trơn trượt.
- Cửa sổ, hành lang, cầu thang phải có tay vịn, lan can.
- Bàn ghế, giường, tủ hỏng, không chắc chắn phải được sửa chữa ngay.
- Cạnh bàn, tủ nên được bọc lại để đảm bảo an toàn.
2. Đuối nước
Tai nạn đuối nước ở trẻ em không chỉ xảy ra ở các vùng sông nước, nông thôn, mà có cả ở những thành phố lớn. Không chỉ có ở gần ao, hồ, sông, suối thì mới có thể xảy ra tai nạn đuối nước, ngay cả khi có thau, xô, chậu chứa nước cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ nhỏ. Do đó:
- Trẻ em khi bơi phải được người lớn giám sát thường xuyên và không được rời mắt để làm công việc khác như đọc sách, tán chuyện gẫu, chơi bài…
- Ở nhà có trẻ nhỏ tốt nhất không nên để những lu nước, thùng nước, nếu quá cần thiết nên có nắp đậy thật chặt để trẻ không mở nắp được.
- Nếu nhà có hồ bơi, ao hồ, giếng nên rào kín xung quanh và cửa có khóa để trẻ em không mở cửa được, có hệ thống báo động khi trẻ em vào.
- Nên cho trẻ tập bơi sớm (trên 4 tuổi).
- Khi các em có thể bơi được 25m liên tục và tự làm nổi người ít nhất 5 phút mới được coi là biết bơi.
3. Bỏng:
Bỏng là tai nạn thường gặp trong sinh hoạt, trong lao động sản xuất. Tỷ lệ trẻ em bị bỏng chiếm từ 40-60% số người bị bỏng. Độ tuổi hay bị từ 1 – 6. Thương tích do bỏng gây đau đớn, trẻ nhỏ chưa có ý thức bảo vệ vết thương nên dễ dẫn đến thương tích nặng hơn từ các bóng nước do phồng rộp.
Bỏng cũng ảnh hưởng đến sự phát triển tâm hồn và thể chất của trẻ. Các vết bỏng nặng đều gây tổn thương nghiêm trọng, để lại sẹo vĩnh viễn, ảnh hưởng cử động do dính, co kéo; thậm chí có thể bị cắt cụt chi, cứng khớp... làm biến dạng cơ thể, gây tàn phế suốt đời. Để phòng tránh hậu quả do tai nạn bỏng, người lớn cần chú ý:
- Bố trí bếp nấu ăn hợp lý, đặt bếp lò ở chỗ cao ngoài tầm tay với của trẻ, có vách ngăn không cho trẻ tới gần.
- Nước sôi, thức ăn nóng phải được cất giữ cẩn thận, xa tầm tay trẻ; khi bưng bê phải chú ý trẻ nhỏ chạy nhảy, đùa giỡn mà va phải.
- Không để trẻ nhỏ tiếp xúc với lửa, diêm quẹt, bật lửa, nến; các vật dễ cháy, nổ như: xăng, ga, cồn...
- Khi dựng xe máy, phải quay ống bô xả của xe máy đang còn nóng vào sát tường.
4. Dị vật
Hóc dị vật cũng là một trong các tại nạn thường gặp ở trẻ nhỏ, nếu không cứu chữa kịp thời hoặc cứu chữa không đúng sẽ dễ dẫn đến tử vong. Trẻ không chỉ dễ hóc dị vật qua miệng mà còn có thể gặp tai nạn này qua mũi và tai. Trẻ nhỏ từ 1 đến 4 tuổi là dễ bị hóc dị vật nhất, chính vì vậy các bậc cha mẹ cần phải quan tâm tới trẻ nhiều hơn, giúp trẻ tránh xa những tác nhân khiến trẻ gặp nguy hiểm.
- Không cho trẻ dưới 4 tuổi chơi các đồ chơi có kích thước và nhiều chi tiết nhỏ, các đồ chơi trẻ có thể nắm vừa trong lòng bàn tay.
- Không để các vật dụng nhỏ như kim, chỉ, đinh ốc, hạt cườm, thuốc…trong tầm với của trẻ.
- Hướng dẫn trẻ chơi đồ chơi an toàn, chỉ cho trẻ những vật dụng, đồ chơi không được phép ngậm hay nuốt.
- Hạn chế cho trẻ ăn các loại thức ăn có nguy cơ gây hóc như các loại hạt… để đảm bảo an toàn cho trẻ, không hỏi chuyện hay gây chú ý với trẻ trong lúc trẻ ăn.
- Chú ý các thực phẩm có xương sống như cá, tôm, cua khi chế biến thức ăn cho bé.
5. Điện giật
Các thiết bị điện dù phát quang hay không phát quang đều có thể thu hút sự quan tâm của trẻ nhỏ bằng âm thanh, màu sắc. Thiết bị điện đang hoạt động một khi rơi vào tầm ngắm của trẻ em rất dễ gây ra các tai nạn khôn lường.
- Rút phích cắm các thiết bị điện sinh nhiệt như máy là tóc, máy sấy, bàn là,... ngay khi sử dụng xong.
- Thường xuyên kiểm tra an toàn các thiết bị điện trong nhà. Đảm bảo mọi thiết bị điện trong tình trạng cách điện tốt.
- Tắt các thiết bị điện trước khi đi ngủ.
- Đặt thiết bị điện xa tầm với của trẻ em.
- Che chắn toàn bộ ổ cắm điện và công tắc điện trên tường.
- Cách ly mọi thiết bị điện với nguồn nước.
- Khi xảy ra cháy do chập điện, phải cắt ngay nguồn điện rồi dùng bình cứu hỏa cho sự cố cháy vì điện nếu có. Tuyệt đối không dùng nước vì sẽ gây điện giật chết người.
6. Tai nạn giao thông
Thời gian qua, cùng với sự gia tăng đột biến của các phương tiện giao thông thì số vụ tai nạn giao thông cũng tăng tương ứngmà nạn nhân là trẻ em cũng gia tăng đáng kể. Tai nạn giao thông là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến thương tích thậm chí tử vong ở trẻ em. Để hạn chế tai nạn giao thông xảy ra ở trẻ nhỏ thì trước hết, người lớn phải nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông.
- Trẻ nhỏ khi qua đường phải có người lớn đi kèm.
- Nắm chắt tay trẻ để tránh tình huống trẻ bỏ tay và chạy bất ngờ.
- Chỉ qua đường ở những nơi có đường qua đường dành cho người đi bộ.
- Giúp trẻ thực hành thành thục trước khi cho phép trẻ tự qua đường.
- Luôn đi đúng vỉa hè bên phải là phần đường dành cho người đi bộ. Nếu đường không có vỉa hè thì đi vào phần đường bên phải càng cách xa các phương tiện giao thông càng tốt.
- Không đi dàn hàng ngang trên đường.
- Không cho trẻ chơi ở lòng đường hoặc gần đường giao thông, vỉa hè và gần các khu vực đỗ ô tô
- Làm hàng rào, cổng, cửa chắn nếu nhà gần đường, đặc biệt khi nhà có trẻ nhỏ.
- Giữ gìn đường phố, vỉa hè trước cửa nhà mình gọn gàng, góp phần tạo hành lang an toàn cho người đi bộ.
- Không điều khiển xe cộ sau khi uống bia, rượu, đồ uống có cồn.
- Không phóng nhanh, vượt ẩu.
- Không chở hàng cồng kềnh.
- Luôn lái xe đúng luật, quan sát kỹ phòng trường hợp trẻ chạy ra đường đột ngột.
- Phải đội nón bảo hiểm cho trẻ từ 06 tuổi trở lên khi cho trẻ tham gia giao thông.
Còn rất nhiều nguy cơ dẫn đến tai nạn thương tích ở trẻ em, cách phòng ngừa hiệu quả nhất là sự quan tâm chú ý của người lớn khi trông trẻ. Chỉ một phút thiếu tập trung có thể dẫn đến hậu quả vô cùng nghiêm trọng cho trẻ nhỏ. Bên cạnh đó, người lớn cần trang bị cho trẻ nhỏ những kiến thức, kỹ năng cơ bản nhất để tự bảo vệ mình từ khi trẻ bắt đầu hình thành những ý thức đầu tiên.
Vì tương lai tốt đẹp của con em chúng ta, mỗi người hãy nâng cao ý thức chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, tạo môi trường an toàn và lành mạnh để trẻ em phát triển toàn diện, góp phần xây dựng một tương lai tươi sáng cho đất nước.