Ngay sau khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại, Trường Tiểu học Phúc Đồng tổ chức dạy học trực tuyến cho học sinh toàn trường. Phương pháp dạy học có được điều chỉnh theo hướng nhấn mạnh vào tinh thần của môn học và lõi kiến thức của bài học, duy trì tương tác qua các trò chơi và khuyến khích học sinh tự học, tự đọc sách ở nhà.
Để con học trực tuyến một mình có hiệu quả thì cha mẹ lại phải đồng hành với con để rèn lại các kỹ năng. Cha mẹ cần tìm hiểu phong cách học tập của con, trẻ cũng cần hiểu về tiếp thu hiệu quả hơn qua kênh hình hay kênh tiếng, điểm mạnh và điểm yếu trong phản xạ học tập, những khó khăn học tập hiện tại, những khiếm khuyết về thính lực, thị lực để từ đó lập kế hoạch cho việc các em muốn học như thế nào; lên kế hoạch theo dõi tự đánh giá để tự khắc phục điểm yếu, thành công hơn trong học tập trực tuyến.
Về thời gian học với bậc tiểu học, các nghiên cứu tâm lý cho thấy việc học trực tuyến sẽ có hiệu quả nhất khi được kết hợp với các nhiệm vụ trực tiếp xen lẫn những khoảng thời gian nghỉ. Căn cứ vào các nghiên cứu về sự chú ý khi xem các chương trình truyền hình. Mức độ tập trung chú ý của cá nhân chỉ cao trong khoảng 25 - 30 phút vì vậy các phần học online có lẽ cũng chỉ nên thiết kế trong khoảng 30 -35 phút. Sau đó đến các phần giao nhiệm vụ thực hiện trên thực tiễn và nghỉ ngắn trước khi tiếp tục một phiên học online khác. Phụ huynh cần nhận diện sớm các dấu hiệu mất cân bằng thời gian dành cho màn hình và các hoạt động thể chất khác. Hạn chế con tiếp xúc với thiết bị điện tử, trò chơi, youtube hoặc tivi ngoài giờ học trực tuyến một cách hợp lý. Cài đặt chế độ (giảm sáng, dán màn hình...) để hạn chế ánh sáng xanh của màn hình có hại cho mắt. Giúp con thiết lập một không gian học tập riêng và cố định để tạo sự liên kết giữa không gian và hoạt động học tập.
Sau đây là một số cách bảo vệ an toàn cho các con khi học trực tuyến
1. Bảo vệ an toàn cho trẻ bằng cách trao đổi cởi mở
Trao đổi thẳng thắn với trẻ về việc trẻ trò chuyện với ai và như thế nào. Đảm bảo trẻ hiểu giá trị mà những tương tác
tử tế và cổ vũ lẫn nhau mang lại, và rằng những hành vi xấu tính, phân biệt đối xử hoặc không phù hợp trong giao tiếp là không thể chấp nhận được dù trong hoàn cảnh nào. Nếu con bạn gặp phải bất kỳ tình huống nào như vậy, khuyến khích trẻ kể ngay với bạn hoặc một người lớn mà trẻ tin cậy. Cảnh giác nếu thấy con có vẻ buồn bực hoặc lén lút khi sinh hoạt trực tuyến hoặc con bị bắt nạt trên mạng. Thiết lập các quy tắc về việc sử dụng các thiết bị điện tử như thế nào, khi nào và ở đâu cùng với con.
2. Sử dụng công nghệ để bảo vệ trẻ em
Kiểm tra xem thiết bị của con có đang chạy phiên bản phần mềm và chương trình diệt vi-rút mới nhất hay không, và đã bật các cài đặt bảo vệ quyền riêng tư hay chưa. Che kín webcam khi không sử dụng. Đối với trẻ nhỏ, các công cụ như phần mềm kiểm soát cho cha mẹ, bao gồm tìm kiếm an toàn, có thể giúp đảm bảo trải nghiệm tích cực trên mạng cho trẻ em. Cẩn thận với các tài nguyên học tập trực tuyến miễn phí. Trẻ không cần cung cấp ảnh hoặc tên đầy đủ để sử dụng các tài nguyên này. Đừng quên kiểm soát các cài đặt bảo vệ quyền riêng tư để giảm thiểu lượng dữ liệu bị thu thập. Dạy cho trẻ biết cách bảo mật thông tin cá nhân, đặc biệt là trước người lạ.
3. Dành thời gian sinh hoạt trực tuyến cùng trẻ
Tạo cơ hội cho trẻ tương tác an toàn và tích cực với bạn bè, gia đình và chính bạn trên trực tuyến. Lúc này, kết nối với người khác trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Đây có thể là cơ hội tuyệt vời để bạn làm gương cho con về cách thể hiện sự tử tế và thấu cảm trong “tương tác ảo”. Giúp trẻ nhận biết và tránh tin giả cùng những nội dung không phù hợp với lứa tuổi, có khả năng gây thêm lo lắng về vi-rút COVID-19. Dành thời gian cùng với trẻ để xác định các ứng dụng, trò chơi và hình thức giải trí trực tuyến khác phù hợp với lứa tuổi.
4. Khuyến khích các hành vi lành mạnh trên trực tuyến
Thúc đẩy và dõi theo những hành vi tốt của trẻ trên trực tuyến và trong các cuộc gọi video. Khuyến khích trẻ cư xử tử tế và tôn trọng bạn cùng lớp, chú ý ăn mặc và tránh tham gia các cuộc gọi video từ phòng ngủ. Làm quen với các chính sách và đường dây nóng của nhà trường để trình báo hành vi bắt nạt trên mạng hoặc nội dung trực tuyến không phù hợp. Trẻ em dành càng nhiều thời gian trên mạng, càng dễ tiếp xúc với nhiều quảng cáo về thực phẩm không lành mạnh, phổ biến định kiến giới hoặc chứa tư liệu không phù hợp với lứa tuổi. Giúp trẻ nhận biết các quảng cáo trên mạng và tận dụng cơ hội này để cùng trẻ phân tích những điểm không hay trong các thông điệp tiêu cực mà bạn bắt gặp.
5. Cho trẻ vui chơi và thể hiện bản than
Thời gian ở nhà có thể là một cơ hội tuyệt vời để trẻ phát huy tiếng nói của mình ở trên mạng, từ đó chia sẻ quan điểm cũng như hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc khủng hoảng này. Khuyến khích trẻ
tận dụng các công cụ số để vận động, chẳng hạn như các video tập thể dục trực tuyến cho trẻ em và trò chơi điện tử đòi hỏi vận động thể chất. Đừng quên cân đối giữa giải trị trên mạng và các hoạt động ngoại tuyến, bao gồm vui chơi ngoài trời nếu có thể.